No title... No title... No title... No title... No title...
Lượt xem: 3792
CHÙA TẦM VU (PRÊK OM PU)
Địa chỉ: ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
I. TÊN GỌI DI TÍCH:

      Tên thường gọi: CHÙA TẦM VU.
      Tên Khmer: PRÊK OM PU.
II. ĐỊA ĐIỂM VÀ ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH:
1. Địa điểm di tích:
       Chùa Tầm Vu tọa lạc tại ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng, xây dựng năm 1664 bằng vật liệu tre lá đơn sơ. Đến năm 1954 được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng với sự đóng góp tiền của và công sức của bà con bổn sóc nơi đây, Hoà thượng Châu Mum đã cho xây dựng lại ngôi chùa, nhưng do chiến tranh và kinh phí còn hạn hẹp nên mãi đến năm 1977 chùa mới khánh thành.
2. Đường đi đến di tích:
       Đường bộ: Từ trung tâm thành phố Sóc Trăng theo đường Lê Hồng Phong đi Mỹ Xuyên theo tuyến tỉnh lộ 8, qua khỏi thị trấn Mỹ Xuyên rẽ phải hướng về thị xã Vĩnh Châu theo tỉnh lộ 935 đi khoảng 3 km rẽ trái đi theo tuyến lộ đan đường vào xã Thạnh Thới An khoảng 2.5 km rẽ trái đi khoảng 500m là đến di tích, cách UBND xã Thạnh Thới An 2 km về hướng Đông.
III. PHÂN LOẠI DI TÍCH:
      Chùa Tầm Vu thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng.
IV. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH:
1. Sơ lược về xã anh hùng Thạnh Thới An:

       Thạnh Thới An nằm giáp các xã: Tài Văn, Viên An, Viên Bình, Hoà Đông, Thạnh Thới Thuận và thị trấn Mỹ Xuyên.
       Diện tích: 51,11km2.
       Theo số liệu thống kê dân số năm 2011 toàn xã có 12.569 người, trong đó người Khmer có 4.041 người chiếm 32,15% dân số của xã.
       Xã Thạnh Thới An được thành lập theo quyết định số 111/QĐ-HĐBT ngày 7/7/1982 thuộc huyện Mỹ Xuyên. Năm 2010 huyện Trần Đề được thành lập bao gồm một số xã của huyện Mỹ Xuyên và Long Phú thì Thạnh Thới An thuộc huyện Trần Đề.
       Trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân Việt Nam nói chung và xã Thạnh Thới An nói riêng đã chịu nhiều đau thương mất mát, phải gánh chịu nhiều bom đạn của quân thù. Nhưng với tấm lòng sắt son theo Đảng, nhân dân nơi đây đã đùm bọc che chở, nuôi chứa cán bộ cách mạng và tham gia chiến đấu làm thất bại nhiều âm mưu của địch, góp phần giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Sau ngày hoà bình độc lập, toàn xã có 120 gia đình liệt sĩ, 05 mẹ Việt Nam Anh hùng, 30 gia đình thương binh và nhiều gia đình có công với cách mạng. Ngày 29/01/1996, xã Thạnh Thới An vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích:
       Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm và chế độ phong kiến, vùng đất Thạnh Thới An còn là vùng hoang vu, rừng rậm um tùm, khí hậu khắc nghiệt. Lúc ấy có một số bà con người Khmer cùng một số dân tộc khác đến đây khẩn đất khai hoang, sinh cơ lập nghiệp, họ đã ra sức cùng nhau cải tạo đất hoang thành ruộng đồng để sản xuất nông nghiệp và mở mang vùng đất này. Đối với người Khmer thì Phật giáo Nam Tông đã ăn sâu vào tâm hồn của họ, cho nên ngôi chùa đã được dựng lên. Có thể nói ở đâu có người Khmer sinh sống thì ở đó chắc chắn sẽ có ngôi chùa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ phật tử.
      Chùa Tầm Vu được xây dựng vào năm 1664 tại ấp Hưng Thới.
      Khi mới xây dựng, chùa được xây dựng bằng vật liệu tre lá đơn sơ, đến năm 1811 chùa được tu sửa lại đặt tên là chùa Tầm Vu (Prêk Om Pu).
       Năm 1870 được di dời đến điểm mới cách khoảng 500 mét với diện tích 33.961,9m2 tại thửa đất số 190, tờ bản đồ số 04 cũng với tên chùa Tầm Vu (Prêk Om Pu) cho đến nay.
       Trên 03 thế kỷ hình thành và phát triển, chùa Tầm Vu đã trải qua 15 đời đại đức trụ trì, trong đó gồm các ông:
       1. Đại đức Nghết.
       2. Đại đức Lâm Tiêng.
       3. Đại đức Hiêng.
       4. Đại đức Đóc.
       5. Đại đức Sao.
       6. Đại đức Két.
       7. Đại đức Sắc.
       8. Đại đức Khul.
       9. Đại đức Dão.
      10. Đại đức Trưng.
      11. Đại đức Hem.
      12. Đại đức Prum.
      13. Đại đức Thạch Ni (1927 -1940)
      14. Hoà thượng Châu Mum (1940 – 2002).
      15. Đại đức Triệu Ươl (2002 - đến nay).
      Các vị đại đức trụ trì chùa đều là những vị chân tu, vừa chăm lo đoàn kết phật tử Khmer, vừa chăm sóc phần tâm linh và đời sống. Trong số 15 vị đại đức kể trên thì Hoà thượng Châu Mum là vị đại đức có nhiều công đóng góp cho phong trào cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
      Trong suốt những năm làm trụ trì chùa, ngoài việc giữ gìn và phát triển chùa ngày càng khang trang, Hoà thượng Châu Mum còn nhiệt tình tham gia cách mạng. Về sau, nhà sư Lý Cô đã thuật lại trong bảng báo cáo thành tích của chùa (theo lời kể của Hoà thượng Châu Mum khi ông còn sống cho các vị sư trong chùa nghe) như sau:
      Năm 1940 Hoà thượng Châu Mum từng tham gia các phong trào Việt Minh do ông Trịnh Thới Cang (1) tổ chức. Đặc biệt là Hoà thượng đã cùng các sư sãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trên địa bàn Thạnh Thới An.
      Trong thời gian hoạt động cách mạng, ban ngày ông cùng các sư sãi sinh hoạt trong chùa, ban đêm Hoà thượng lại bơi xuồng đến khu căn cứ cách mạng cùng các đồng chí bàn kế hoạch đánh giặc.
      Đến năm 1945 – 1946 Hoà thượng hoạt động cùng đồng chí Tám Khem (Lý Văn Khem) (2), đồng chí Ba Nhất, đồng chí Sáu Châu. Được sự phổ biến của cán bộ Việt Minh, Hoà thượng tham gia và lãnh đạo các sư sãi, tín đồ trong chùa đứng lên chống thực dân Pháp góp phần vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945. Trong giai đoạn này, chùa là nơi hội họp cán bộ Việt Minh. Cũng chính nơi đây là nơi nuôi chứa và đào tạo nhiều cán bộ ta trong chiến tranh chống thực dân Pháp.
       Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền đã về tay nhân dân, nhưng cuộc sống của người dân và các sư sãi tín đồ trong chùa gặp rất nhiều khó khăn. Hoà thượng Châu Mum đã giảng đạo củng cố tinh thần cho các sư sãi, phật tử trong chùa. Từ đó tinh thần đoàn kết đấu tranh của Hoà thượng, sư sãi và phật tử trong chùa ngày càng lên cao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hoà thượng đã từng bước dẫn dắt các phật tử ý thức được tầm quan trọng của cách mạng.
       Ở tỉnh Sóc Trăng nói chung và xã Thạnh Thới An nói riêng, thực dân Pháp ngày càng ra sức đánh phá càn quét, đẩy mạnh chiến tranh do thám, gián điệp. Trước  tình hình đó, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhanh chóng đề ra chủ trương thích hợp để lãnh đạo quân và dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống địch, đồng thời thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện và hưởng ứng phong trào đấu tranh cách mạng trong toàn tỉnh. Đảng bộ huyện tập trung lực lượng quân du kích, mỗi xã đều có một liên đội du kích. Hệ thống trạm canh, trạm kiểm soát đều được tổ chức, thiết lập thông tin báo động của dân quân du kích.
       Tiêu biểu là tháng 4/1949, trận chống càn ở ấp Lắc Bưng, xã Thạnh Thới An du kích của xã đã đánh trả quyết liệt với địch, tiêu diệt tại chỗ 03 tên. Sau trận này, chúng bỏ ý đồ đóng đồn ở ấp Hưng Thới. Những phong trào nổ ra ở thời kỳ này đều có sự tham gia đóng góp không nhỏ của bà con, sư sãi Khmer trong chùa và đặc biệt là vị sư trụ trì chùa Tầm Vu đó là Hoà thượng Châu Mum.
       Năm 1950, địch ra sức cũng cố vùng ven, vùng có đông đồng bào Khmer, bằng cách củng cố hệ thống đồn bót, tháp canh, chia địa bàn này thành nhiều tuyến ngăn cách, không cho lực lượng ta thâm nhập vào. Được sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cách mạng ở địa phương, Hoà thượng Châu Mum cùng với sư sãi trong chùa đã không ngừng tham gia, ủng hộ cách mạng đánh bại ý đồ của địch.
        Hoà chung với các phong trào đấu tranh du kích của xã, Hoà thượng Châu Mum cùng với các phật tử, tín đồ đứng lên đấu tranh biểu tình chống thực dân Pháp; Điển hình như trong những năm 1953, địch đẩy mạnh càn quét đánh vào vùng căn cứ, đóng nhiều đòn bót tại vùng tự do trong huyện, trong đó có xã Thạnh Thới An. Qua nhiều đợt tấn công, tuy không có lực lượng chủ lực tham gia, nhưng ta cũng đã tiêu diệt hàng chục đồn bót, chặn đường làm gián đoạn giao thông, cô lập địch, làm tròn nhiệm vụ phối hợp với chiến trường chính.
      Kết quả, ta đã làm tan rã 22 sóc Khmer vũ trang, số sóc còn lại bị ta phá hỏng, diệt và làm bị thương trên 100 tên địch, có gần 300 tên bỏ ngủ trở về gia đình. Thắng lợi trên có ý nghĩa quan trọng, đã chuyển một vùng rộng lớn bị địch kềm kẹp lâu đời thành vùng du kích, xây dựng các tổ chức chính quyền và quần chúng do người dân trực tiếp quản lý.
       Về mặt tín ngưỡng Mỹ - Diệm tăng cường đàn áp tín đồ Phật giáo; Điển hình ở chùa Khleang thị xã Sóc Trăng vào năm 1957, chúng cho mật vụ ập đến chùa vây bắt Lục Cang (Trịnh Thới Cang), rồi lùng bắt Achar Huỳnh Cương dù không chứng cớ. Năm 1959 bọn chúng lại bí mật ám sát Lục cả Thạch Kheal rồi vu tội cho Việt Cộng sát hại. Hành động ám muội của chúng khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Nguỵ quyền và sư sãi, bà con phật tử.
       Tại chùa Tầm Vu, chúng tiến hành truy lùng, bắt bớ cách mạng ẩn náu trong chùa. Nhưng dưới sự hướng dẫn của Hoà thượng Châu Mum cùng các vị sư, chùa Tầm Vu đã nuôi chứa một số cán bộ như: đồng chí Huỳnh Cương (3), đ/c Trịnh Thới Cang, đ/c Lưu Văn Đê, đ/c Trương Văn Mạnh (Bảy Hoà) (4), đ/c Sáu Châu, đ/c Tám Khem, đ/c Ba Nhất…và một số đồng chí tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương.
      Phong trào Đồng khởi 1960 nổ ra trên khắp địa bàn trong tỉnh, cuộc chiến tranh đầy gian khổ và quyết liệt, nhiều người đã bị bắt, hy sinh nhưng với tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân trong xã, Hoà thượng Châu Mum đã cùng với các đồng chí cán bộ cách mạng địa phương lãnh đạo sư sãi và bà con trong vùng đứng lên chống Mỹ - Diệm.
       Kết quả Đồng khởi xã Thạnh Thới An về cơ bản đã được giải phóng, vùng hậu phương được mở rộng, lực lượng cách mạng được phát triển mạnh, khí thế cách mạng của quần chúng dâng cao, thế và lực của địch bị suy yếu, góp phần đưa phong trào cách mạng trong xã, huyện chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn chiến tranh cách mạng.
       Sau Đồng khởi lực lượng ta bị đánh bật ra khỏi nông thôn, buộc chúng phải dồn lực lượng co cụm chiếm giữ trục lộ giao thông, thị trấn, thị tứ. Mặt khác chúng liên tiếp mở các cuộc càn quét vào vùng giải phóng, phục kích, biệt kích nhằm tiêu diệt và ngăn chặn mọi hoạt động cách mạng. Chúng không ngừng truy lùng cộng sản, đánh đập những ai che dấu cộng sản. Một số cán bộ phải chạy vào chùa ẩn nấp, được sự che chở của các vị sư nên họ đã thoát khỏi tầm kiểm soát của giặc.
        Đầu năm 1964 tinh thần đấu tranh cách mạng của bà con sư sãi ở chùa dâng cao, họ đã tham gia đấu tranh quyết liệt với các hình thức như biểu tình chống bắt lính của bọn Mỹ - Diệm...
      Về phía đồng bào vùng bị kềm kẹp, họ hết sức vui mừng phấn khởi, đồng bào loan tin khuếch trương thanh thế cách mạng khắp nơi. Nhân dân trong xã không phân biệt dân tộc Kinh hay Khmer, họ đã cùng nhau đoàn kết đứng lên đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và cán bộ cách mạng trong xã. Đặc biệt là tinh thần và ý thức làm cách mạng của sư sãi chùa Tầm Vu cũng được vị Hoà thượng Châu Mum giác ngộ rất cao.
        Tháng 2/1965, bọn tề xã ở Thạnh Thới An tổ chức cúng đình Hưng Thới, bị du kích của ta đánh phục kích, kết quả diệt tại chỗ 07 tên địch, làm bị thương 02 tên, thu 07 súng, số còn sống sót chạy tán loạn, bọn tề xã vô cùng hoang mang lo sợ.
       Tháng 6/1965, du kích xã Thạnh Thới An phối hợp với tiểu đoàn Phú Lợi phá ấp chiến lược trên tuyến kinh xáng An Nô và ấp Tắc Bớm, đánh tiêu diệt đồn Thạnh Thới I, thu nhiều súng đạn, giải tán trên 100 phòng vệ dân sự.
       Tháng 7/ 1967 đơn vị pháo binh tỉnh kết hợp với du kích xã Thạnh Thới An pháo kích đồn Thạnh Thới An, làm chết 03 tên địch, trong đó có tên xã trưởng Thạnh Thới An. Địch cho trực thăng đến yểm trợ, du kích xã Thạnh Thới An bắn rơi một trực thăng tại Cây Me, ấp An Hoà.
       Tháng 11/1967, địch tổ chức càn quét lớn, dân quân du kích xã phục kích đồn Thạnh Thới An khoảng 500m, đón đánh một toán lính của đồn Thạnh Thới An đi càn quét, diệt và làm bị thương 13 tên địch, thu 10 súng.
      Về đấu tranh chính trị, ta tiếp tục xông ra vùng tranh chấp, vùng địch tạm chiếm, tuyên truyền phát động quần chúng đấu tranh. Một số ấp trước nay địch làm chủ, ta chuyển lên tranh chấp như: Xà Mách, Thạnh Nhãn I, Thạnh Nhãn II, Thạnh An I, Thạnh An III (Thạnh Thới An). Chiếm lĩnh khu I, khu III (xã Thạnh Thới An). Cuối năm 1967 vùng giải phóng của ta được ổn định, khí thế cách mạng của quần chúng đang vươn lên mạnh mẽ.
       Nhìn chung thắng lợi của Đảng bộ, quân và dân xã Thạnh Thới An cũng như bà con, sư sãi chùa Tầm Vu trong giai đoạn 1965 - 1968 đã thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng anh dũng kiên cường, vượt qua muôn ngàn khó khăn gian khổ, nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, góp phần cùng với quân dân Miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
       Cũng trong giai đoạn này, Hoà thượng Châu Mum kêu gọi những gia đình có người thân đi lính bỏ súng xuống vào chùa tu. Lúc đó giặc đang đánh ồ ạt vào xã Thạnh Thới An, để đảm bảo an toàn cho các cán bộ cách mạng Hoà thượng Châu Mum đã đưa các đồng chí cách mạng ra khỏi vùng kiểm soát của địch bằng cách giấu các cán bộ cách mạng dưới chiếc ca nô và lấy y cà sa đắp ở phía trên tránh sự nghi ngờ của địch. Khi chạy ngang xã Thạnh Thới An lính canh hỏi Hoà thượng: “Hoà thượng đi đâu?” Ông trả lời: “có ông lục bệnh” bọn địch đành để cho Hoà thượng qua đồn.
        Sau thất bại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, địch bắt đầu mở rộng chiến dịch bắt lính. Ở xã Thạnh Thới An thời kỳ này có tới 30% là người dân tộc Khmer. Nhiều thanh niên bị truy lùng bắt đi làm tay sai cho Nguỵ quyền. Trước hành động đó của Mỹ - Nguỵ, nhân dân trong xã Thạnh Thới An và sư sãi trong chùa, đứng đầu là Hoà thượng Châu Mum đã lãnh đạo nhân dân trong xã, bà con tín đồ phật tử trong chùa vùng lên đấu tranh biểu tình chống bắt lính.
        Năm 1969, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Mỹ Xuyên đề ra kế hoạch khẩn trương xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang và tăng cường sản xuất vũ khí, chất nổ, bố trí bãi lửa bảo vệ căn cứ. Đẩy mạnh phong trào du kích dùng chất nổ đánh địch lấn chiếm, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ căn cứ.
       Ngày 2/9/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là nỗi đau thương và mất mát lớn của cả dân tộc, tại xã Thạnh Thới An thực hiện phong trào biến đau thương thành hành động cách mạng, du kích trong xã, trong huyện liên tục tiến công địch, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
        Sang năm 1970, địch tiếp tục đẩy mạnh tốc độ “Bình định” để nhanh chóng lấn chiếm các xã, ấp giải phóng còn lại trong huyện, một số nơi chưa chiếm đóng được thì chúng gom dân hòng tách dân ra khỏi Đảng, ra khỏi lực lượng vũ trang để dễ bề tiêu diệt. Các vùng đã chiếm đóng chúng tập trung càn quét các cơ sở cách mạng.
       Giai đoạn 1972 -1973 theo lời kể của Hoà thượng Châu Mum, tại chùa Tầm Vu có từ 300 - 400 tu sĩ; trong đó có 34 tu sĩ người Kinh như: Đ/c Út Hoà (Lê Văn Hoà), đ/c Việt Châu và còn có 370 lính Nguỵ bỏ ngũ vào chùa tu.
         Năm 1973, bọn lính Nguỵ lại ồ ạt tấn công chùa, chúng tiến hành bắt bớ các tu sĩ người Kinh, trong đó có 34 đ/c bị địch đem về Mỹ Xuyên. Hoà thượng Châu Mum đã vận động sư sãi và bà con phật tử kéo nhau lên quận Mỹ Xuyên biểu tình chống bắt người tu hành đi lính. Tinh thần đoàn kết đấu tranh cách mạng của Hoà thượng trong chùa Tầm Vu ngày một dâng cao buộc bọn địch phải thả 34 tu sĩ người Kinh trở về với gia đình.
          Suốt 21 năm bền gan vững chí, Đảng bộ, quân và dân xã Thạnh Thới An nói chung và sư sãi trong chùa Tầm Vu nói riêng đã cố gắng bám đất, giữ làng góp sức cùng cả nước đánh bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ. Điều đó khẳng định lòng yêu nước và quyết tâm đánh giặc, không chỉ của quân và dân trong xã mà còn của cả những người đang tu hành cũng nhận thấy tội ác của giặc ngoại xâm gây cho đồng bào ta. Truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc của ông cha ta đã được nhân dân, tín đồ, sư sãi trong chùa Tầm Vu phát huy và đã giành được thắng lợi đó là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào: Kết thúc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam.
       (1) - Đ/c Trịnh Thới Cang (sáu Cang) – Lúc bấy giờ giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội ủng hộ Ixarăc, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Vịêt tỉnh, về sau ông giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ 4 Miền Nam Ban dân tộc Trung ương.
        (2) - Đ/c Lý Văn Khem (Tám Khem) – Lúc bấy giờ giữ chức vụ Bí thư xã Viên Bình.
       (3) - Đ/c Huỳnh Cương – Lúc bấy giờ ông giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng khu Tây Nam bộ, sau này là Uỷ viên Trung ương Đảng – Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII – VIII.
       (4) - Đ/c Trương Văn Mạnh (Bảy Hoà) – Lúc bấy giờ đ/c giữ chức vụ Huyện uỷ viên – Phó Bí thư Huyện uỷ Long Phú, sau này là Tỉnh uỷ viên - Trưởng ban nội chính tỉnh Sóc Trăng (5/1992 – 3/1993).

V. SINH HOẠT VĂN HOÁ TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH:
      Người Khmer ở Sóc Trăng hầu hết theo đạo phật Nam Tông, nên chùa chỉ thờ duy nhất Phật Thích ca. Người Khmer từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, rồi về già đến lúc chết mọi buồn vui đều diễn ra ở chùa. Có thể nói chùa là trung tâm văn hóa, nơi học kinh, học chữ, học giáo lý, nơi học đạo lý làm người, nơi lưu giữ các kho kinh điển, nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, giải trí vui chơi, nơi chi phối cả việc đạo lẫn việc đời.
      Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, chùa Tầm Vu còn là nơi đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và các sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer thông qua các ngày lễ hội chính hàng năm diễn ra tại chùa như:
Lễ vào năm mới (Pithi - Chôl - Chnam - Thmây) còn được gọi là “Lễ chịu tuổi” ta dịch theo sát nghĩa của tiếng Khmer là “Lễ vào năm mới”. Lễ nhằm vào đầu tháng “Chét” theo Phật lịch phái Nam Tông thường vào ngày 13, 14, 15 tháng 04 dương lịch.
        Lễ cúng ông bà (Pithi - Sen - Đôn - Ta): Được tổ chức trong ba ngày hàng năm, từ ngày 29/8 đến ngày 1/9 âm lịch, nhằm 4 mục đích:
            - Nhớ đến công ơn ông, bà, cha mẹ.
            - Tập trung các anh em con cháu lại để biếu quần áo, bánh trái cho những người có công ơn còn sống và làm lễ cầu phước cho những người đã chết.
            - Đoàn kết giữa những người trong Phum Srock.
            - Tổ chức liên hoan vui chơi, gắn bó bè bạn thân thích để giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất.
        Lễ cúng Trăng hoặc “Đút cốm dẹp” Banh - Sâm - Peah - Khe hoặc Ok - Om - Bok: Hàng năm, vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng nói chung và Thạnh Thới An nói riêng tổ chức một lễ lớn gọi là lễ Ok - Om - Bok hay lễ cúng Trăng để tưởng nhớ đến công ơn của Mặt Trăng xem như vị thần điều tiết mùa màng, đã giúp bà con làm ăn được khá giả trong năm.
        Ngoài các lễ truyền thống kể trên, trong chùa còn tổ chức nhiều lễ khác bắt nguồn từ Phật giáo như: Lễ Phật Đản; lễ Ban hành giáo lý; lễ An vị tượng Phật; lễ nhập hạ; lễ Xuất hạ; lễ Dâng y cà sa…
VI. KHẢO TẢ DI TÍCH:
        Chùa Tầm Vu toạ lạc tại ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề có diện tích 33. 961,9m2. Chùa Tầm vu là một tổng thể kiến trúc bao gồm: Cổng chùa, đường nội bộ, sân, chính điện, sala, nhà ở cho các vị sư, thư viện, trại để ghe ngo, lò thiêu, tháp để tro cốt, hàng cây cổ thụ xung quanh chùa...
       Chùa nằm dọc theo sông Hưng Thới, phía trước cổng chùa là nơi dân cư sinh sống, cổng chùa quay mặt về hướng Nam. Cổng có hai cây cột vuông đỡ lấy bảng tên chùa được làm bằng xi măng ở phía trên: Chính giữa cổng chùa đắp hình tượng hai vị sư đang đỡ một vòng tròn đặt trên một cái lư, vòng tròn này được mô phỏng theo bánh xe luân hồi của đạo Phật, có 8 cánh đại diện cho 8 hướng với ý muốn: Phật pháp lan toả và thấm nhuần khắp 8 phương. Bên dưới vòng tròn là dòng chữ đắp nổi ghi tên chùa bằng chữ Khmer Prêk Om Pu (Tầm Vu). Ngoài cửa chính của chùa còn có hai cửa phụ. Cổng và hàng rào được trang trí bởi hoạ tiết hoa văn Khmer, sơn màu gạch tôm. Phía trên là nghệ thuật điêu khắc trang trí chùa bằng hình tượng rồng rắn quen thuộc như các chùa Khmer khác.
        Bước qua cổng chùa ta nhìn thấy mỗi bên là hai tháp để tro cốt, trong đó có tháp đựng tro cốt của Hoà thượng Châu Mum nằm phía bên tay phải tính từ cổng chùa vào, ông là một vị sư đã có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đi khoảng 20 mét là đến cột cờ nằm ở chính giữa khuôn viên chùa. Phía bên tay trái cột cờ là ngôi chính điện.
         Chính điện quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer Phật ở phương Tây quay mặt về hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa phải xoay theo hướng Đông để hợp với hướng tượng thờ trong chính điện.
         Ngôi chính điện của chùa Tầm Vu mà ta thấy hiện nay được xây dựng vào năm 1664 bằng chất liệu tre lá đơn sơ. Sau này, được sự quan tâm của xã, huyện và sự đóng góp của bà con phật tử, sư sãi, trụ trì Châu Mum đã tiến hành xây dựng ngôi chính điện vào năm 1954. Nhưng lúc đó do chiến tranh và vật liệu thiếu thốn nên mãi đến năm 1977 chùa mới được khánh thành. Ngôi chính điện được xây dựng trên hai cấp nền cao hơn hẳn các công trình kiến trúc khác trong khuôn viên chùa. Quanh cấp nền thấp của ngôi chính điện đều có hàng rào bao quanh và có hai cầu thang đi lên nơi thờ ở hướng Đông.
        Khác với một số công trình kiến trúc nghệ thuật chùa Khmer trong tỉnh cũng như khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ngôi chính điện của chùa Tầm Vu thiết kế làm hai tầng (một trệt, một lầu). Điều đặc biệt ở ngôi chùa này không xây dựng theo nguyên tắc ba cấp mái chùa truyền thống của kiến trúc chùa Khmer, mà mái chính điện xây thành 03 ngọn tháp bố trí theo chiều dài của ngôi chính điện.
         Kết cấu mái ngôi chính điện là một kết cấu đặc biệt gồm 03 ngọn tháp bằng nhau, chiều cao của mỗi tháp khoảng 05 mét, đáy rộng 03 mét. Xây theo chiều dài của ngôi chính điện làm bằng xi măng.
        Bước lên lầu hai theo lối cầu thang ở hướng Đông, có xây hai cửa trổ ra hướng Tây và hai cửa trổ ra hướng Đông ở hai bên, lan can bằng xi măng bao quanh hành lang có nhiều ô, không trang trí hoa văn. Xung quanh hành lang sân chính điện ở lầu 02 được tráng bằng xi măng rộng 1.4m.
        Mỗi bên chính điện có 05 cửa sổ bằng gỗ rộng 1.2m x 1.6m và hai cửa ra vào rộng 1.2m x 2.4m. Trên mỗi cửa sổ và cửa ra vào đều có trang trí hoa văn Khmer đắp nổi bằng xi măng.
        Bên trong chính điện, nền được lát gạch bông, dọc theo chiều dài là hai hàng cột tròn, mỗi hàng gồm 05 cột. Hai gian trong cùng đặt bệ thờ cao 1.3m, rộng 2.2m x 03m thờ Phật Thích ca. Ở trung tâm bệ là một pho tượng Phật Thích Ca Mâu ni bằng đá cao khoảng 1.5m được đặt trên bệ thờ cao khoảng 1m. Trên bệ thờ Phật có hai cây cột tròn vẽ hình rồng. Trước bệ thờ đặt nhiều cây bông trang trí. Xung quanh tường ngôi chính điện được vẽ tranh sơn dầu ở hai mặt nói về truyền thuyết Phật. Trần ngôi chính điện trang trí hoa văn Khmer có độ cao khoảng 04 mét.
        Tầng trệt trước đây là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và bà con phật tử mỗi khi giặc đàn áp bắt bớ những người tham gia cách mạng.
        Trước cổng đi vào tầng trệt có 05 cây cột. Trong tầng trệt không có trang trí hoa văn. Được xây dựng đơn sơ, chủ yếu là trụ cột để chống đỡ cho tầng trên của ngôi chính điện. Bên trong tầng trệt có 06 hàng cột tròn (02 hàng cột nằm chính giữa mỗi hàng có 10 cột nằm theo hàng dọc, tương tự 04 hàng còn lại ở hai bên mỗi hàng có 08 cột).
         Tầng trệt của ngôi chính điện mỗi bên có 07 cửa sổ nằm theo hướng Nam - Bắc. Bên trong đặt chiếc ghe ngo độc mộc đã hỏng có từ năm 1962. Phía Tây của tầng trệt ngôi chính điện có 09 cây cột, không có cầu thang đi lên tầng lầu.
        Ngoài trung tâm ngôi chính điện, chùa Tầm Vu còn có các công trình khác như: Nhà để ghe ngo, thư viện mới được xây dựng vào năm 2006; sala là nơi để dâng cơm cho các vị sư trong dịp lễ hội, nơi để tiếp khách và hội họp. Do chùa chưa có phòng dạy chữ Khmer nên các sư sãi và tín đồ phật tử phải học trong sala này. Nhà dành cho các sư sãi trong chùa, nhà bếp. Phía sau ngôi chính điện và sala, nhà ở của các vị sư là tháp để tro cốt và lò thiêu, xung quanh ngôi chùa có nhiều cây cổ thụ như thốt nốt, cây dầu, cây sao...
VII. CÁC HIỆN VẬT CÓ TRONG DI TÍCH:
         - Các loại Kinh Bay Đót (110 cuốn) có nguồn gốc xuất xứ từ Campuchia.
         - Bộ tượng lớn nhỏ gồm 18 tượng ở ngôi chính điện.
         - Chiếc ghe ngo cũ và một chiếc ghe ngo mới.
         - Hai vỏ đạn được chế tạo thành bình bông đặt ở nơi thờ tự của ngôi chính điện.
         - Quan tài của Hoà thượng Châu Mum, được làm bằng chất liệu gỗ sao và chạm khắc nổi hoa văn Khmer.
         - 03 bình chứa nước thơm bằng đồng.
         - 01 ống đựng bã trầu.
         - 14 huân, huy chương, bằng khen, giấy khen.
VIII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HOÁ, KHOA HỌC THẨM MỸ CỦA DI TÍCH:
1. Giá trị lịch sử:

        Chùa Tầm Vu là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo thể hiện đặc trưng vốn văn hoá truyền thống của người Khmer Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng.
         Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Tầm Vu vừa là cơ sở nuôi chứa cách mạng, vừa là một trong những mũi nhọn cho các phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer chống lại sự đàn áp của chính quyền tay sai.
        Từ khi xây dựng đến nay, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chùa cũng là cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra những chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng quê hương đất nước.
          Trong cuộc đấu tranh gian khổ ác liệt ấy, sư sãi nhà chùa cùng bà con phật tử nơi đây đã đoàn kết một lòng theo Đảng, đùm bọc, che chở, nuôi chứa những cán bộ hoạt động cách mạng và tham gia phong trào kháng chiến với ý chí dũng cảm kiên cường làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Mặc dù kẻ thù luôn có âm mưu đàn áp phong trào cách mạng và tìm mọi cách bắt giữ những chiến sĩ cách mạng, nhưng sư sãi và bà con phật tử kiên trì đấu tranh, biểu tình chống bắt lính; đồng thời để bảo vệ phum sóc và ngôi chùa, quyết tâm tìm đủ mọi cách để giúp đỡ cách mạng, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
2. Giá trị văn hoá, khoa học thẩm mỹ.
          Chùa Tầm Vu là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị văn hoá, thẩm mỹ với quần thể kiến trúc nghệ thuật truyền thống Khmer Nam bộ nhưng có một số nét khác biệt với những ngôi chùa Khmer thông thường ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đó là ngôi chính điện được xây theo kết cấu hai tầng (một trệt, một lầu) và trên mái chùa có ba ngọn tháp nằm dọc theo chiều dài của ngôi chính điện. Ngoài chức năng thoả mãn nhu cầu đời sống tâm linh, chùa còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người dân Khmer trong vùng, Ngôi chùa Khmer là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất.
          Chùa vừa là trung tâm giáo dục văn hoá của đồng bào Khmer, vừa là một tụ điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng cư dân địa phương.
IX. THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY TÁC DỤNG DI TÍCH:
          Công trình kiến trúc của chùa Tầm Vu được xây dựng trong những năm kháng chiến chống Mỹ năm 1954 và mãi tới năm 1977 mới khánh thành. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử do đời sống của bà con phum sóc còn nhiều khó khăn và chịu nhiều tác động của thiên nhiên nên hầu hết các công trình kiến trúc của chùa đã xuống cấp.
         Tuy nhiên, trong những khó khăn đó, bà con bổn sóc và nhà chùa vẫn kiên quyết khắc phục hậu quả, bằng sức mạnh của ý chí và nghị lực, sẵn sàng đoàn kết đứng lên chung sức, chung lòng xây dựng lại ngôi chùa sau nhiều lần bị địch tàn phá. Vì hơn ai hết, bà con phật tử luôn ý thức rằng ngôi chùa mất đi là chỗ dựa tinh thần của bà con phum sóc cũng mất. 
          Trải qua 15 đời trụ trì, chùa Tầm Vu luôn được các đại đức cùng sư sãi và bà con phật tử quan tâm gìn giữ và bảo vệ nên vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất hạn hẹp nên nhà chùa chỉ có thể khắc phục, tu sửa những hạng mục công trình nhỏ ít tốn kém. Hầu hết các công trình kiến trúc của chùa đặc biệt là ngôi chính điện đã xuống cấp cần được tu sửa và bảo vệ.
           Trong toàn bộ di tích có những công trình đã được khắc phục gần đây như: Ngôi chính điện, sala vì đã xây dựng lâu năm nên một bộ phận bị xuống cấp và xây dựng chưa hoàn thiện.
Nơi chính điện, các cánh cửa, lối cầu thang phía Tây lên nơi thờ tự đang bỏ dang dở từ rất lâu. Hàng rào lan can chung quanh chính điện bị hư hỏng một số chỗ. Mặc dù được khắc phục nhưng kinh phí của chùa còn hạn hẹp nên chỉ khắc phục được phần nhỏ.
          Để gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử của chùa Tầm Vu, làm cơ sở để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau; Đồng thời để ghi nhận công lao đóng góp của nhà chùa trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thiết nghĩ các cấp, các ngành, đặc biệt là bà con phật tử cần quan tâm đóng góp kinh phí đầu tư chống xuống cấp công trình chính điện nhà chùa. 
X. KẾT LUẬN:
         Về cảnh quan trong khuôn viên chùa, do thiếu sự đầu tư tôn tạo nên ngôi chùa hiện nay thiếu đi vẻ mỹ quan và khung cảnh cần thiết để tôn tạo các công trình, đặc biệt ngôi chính điện, nơi mà các du khách, các nhà chuyên môn đến chiêm ngưỡng và nghiên cứu. 
          Chùa Tầm Vu có công đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, là nơi nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng. Đặc biệt là sự đóng góp rất lớn của Hòa thượng Châu Mum. Trong suốt những năm làm trụ trì chùa, ngoài việc gìn giữ và phát triển chùa ngày càng khang trang, ông còn nhiệt tình tham gia các hoạt động cách mạng. Hòa thượng Châu Mum và tập thể chùa Tầm Vu được nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
          Với những giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học thẩm mỹ và đặc biệt là công lao đóng góp của Hòa thượng Châu Mum cùng sư sãi và bà con phật tử cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chùa Tầm Vu xứng đáng được xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
XI. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
          1/ Bảng Báo công về thành tích của Hoà thượng Châu Mum trong quá trình trụ trì tại chùa Tầm Vu (Prêk Om Pu).
          2/  Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, tập 1, 2, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Sóc Trăng.
          3/ Lịch sử Đảng bộ huyện Mỹ Xuyên, tập I (1930 - 1975) năm  2005.
          4/ Văn hoá người Khmer vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long - Nxb Văn hoá dân tộc -1993.
          5/ Tìm hiểu vốn văn hoá dân tộc Khmer Nam bộ - Nxb Tổng hợp Hậu Giang 1988.
          6/ Tham khảo hồ sơ lý lịch di tích chùa Ô Chum - Lưu Thanh Hùng.
          7/ Các nhân chứng:
               a/ Bút tích, tài liệu ghi chép lại của chùa Tầm Vu (Prêk Om Pu)..
            b/  Đ/c Trương Văn Mạnh (Bảy Hoà) - Cán bộ cách mạng được chùa nuôi chứa trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. 
               c/ Ông Lý Cô - Trưởng ban quản trị chùa Tầm Vu (Prêk Om Pu).
               d/ Ông  Lý Xịa - Phật tử chùa Tầm Vu.

Tin khác













No title... No title... No title... No title... No title... No title...
Video sự kiện
Trần Đề đổi thay sau 30 năm tái lặp tỉnh và 11 năm thành lặp huyện
  • Trần Đề đổi thay sau 30 năm tái lặp tỉnh và 11 năm thành lặp huyện (31/03/2022)
  • Trần Đề đảm bảo an dân trong tình hình dịch bệnh (13/09/2021)
  • Hội Nông dân xã Thạnh Thới An chung tay xây dựng Nông thôn mới (05/07/2021)
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 166
  • Trong tuần: 4 114
  • Tất cả: 1188111
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRẦN ĐỀ, TỈNH SÓC TRĂNG
Cơ quan chủ quản: UBND HUYỆN TRẦN ĐỀ - TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: Ấp Đầu Giồng, Thị trấn Trần Đề, Huyện Trần Đề, Tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: (0299) 3874 283. Fax: (0299) 3874 567 . 
Chịu trách nhiệm nội dung:
Ghi rõ nguồn thông tin điện tử UBND Huyện Trần Đề khi trích dẫn lại từ địa chỉ này