No title... No title... No title... No title... No title...
Lượt xem: 63
Trần Đề thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống cho bà con đồng bào Khmer
  Đồng bào Khmer tại huyện Trần Đề chiếm khoảng 46,49% dân số địa phương. Nhờ các chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước, cùng ý thức vượt khó vươn lên; đời sống của đa số bà con không ngừng được cải thiện. Sự đổi thay từ đời sống vật chất đến tinh thần giúp bà con thêm tin tưởng hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; hăng hái thi đua lao động sản xuất. Nhờ vậy mà mỗi dịp lễ Tết, từng phum sóc lại khoác lên mình một diện mạo mới.

         

Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc ngày càng đầu tư khang trang, hoàn chỉnh

           Xác định rõ “xóa nghèo” là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trần Đề luôn chú trọng công tác rà soát, đảm bảo tất cả các hộ nghèo đều có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo dành cho vùng đồng bào dân tộc. Tranh thủ sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã hỗ trợ dụng cụ duy trì sinh kế và chuyển đổi ngành  nghề cho nhiều bà con Khmer, giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện cải thiện thu nhập.

          Gia đình ông Dương Thanh Hùng ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng là một trong số những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của địa phương. Không đất đai sản xuất, sinh kế chủ yếu của gia đình ông Hùng trước nay phụ thuộc vào công việc đánh bắt cá hằng ngày. Tuy vậy, do tư liệu sản xuất xuống cấp nên quá trình đánh bắt gặp không ít khó khăn, thu nhập ngày càng hạn chế. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia, gia đình ông đã được trang bị xuồng máy và một số ngư cụ thiết yếu. Nhờ vậy mà nguồn thu hằng ngày có phần cải thiện hơn so với trước đây. Ông Hùng phấn khởi chia sẻ: “Lúc trước không có xuồng, rồi lưới cũng nhỏ nên đánh bắt một ngày không được bao nhiêu cá hết. Giờ được nhà nước hỗ trợ cho như vậy, ngày cũng kiếm được gần 300 ngàn. Thấy cuộc sống gia đình giờ cũng ổn hơn. Vì mình cũng lớn tuổi rồi, đâu ai thuê mướn gì nhiều”.

              Đổi thay lớn nhất ở vùng đồng bào Khmer tại Trần Đề là hệ thống cầu, đường, giao thông nông thôn ngày càng trở nên khang trang, kiên cố. Các công trình phục vụ dân sinh cũng từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của bà con. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ dự án “đầu tư cơ sở hạ tầng thiếu yếu, phục vụ sản xuất” thuộc chương  trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tính đến cuối năm 2023, huyện đã triển khai xây mới 18 công trình; duy tu, sửa chữa 14 công trình giao thông nông thôn.

         Sinh khí đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay của bà con ở ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú thêm phần rộn ràng hơn khi chiếc cầu Tà Óc nhỏ hẹp ngày nào đã được đầu tư xây mới  khang trang, kiên cố với nguồn kinh phí trên 01 tỷ đồng. Đường, cầu được đầu tư liền kề, đồng bộ không chỉ đảm bảo an toàn trong quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa; mà còn thể hiện cuộc sống phồn vinh cho địa bàn có tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm khá cao của xã Liêu Tú.  Bà Tăng Thị Sol, người dân ở ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú vui mừng cho biết: “Hồi đó cầu nhỏ, hẹp lắm. Giờ được Nhà nước đầu tư được cho cây cầu này nên bà con mừng dữ lắm. Giờ thì xe lớn vô được rồi, có bệnh hoạn gì là xe vô được đến nơi luôn”.

Cơ sở vật chất trường, lớp học vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu dạy và học

          Bên cạnh tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất, việc đầu tư chất lượng giáo dục cho con em thuộc vùng dân tộc cũng được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ về giáo dục của Đảng và Nhà Nước. Hệ thống giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã được đầu tư đồng bộ từ bậc Mầm non đến bậc trung học cơ sở. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được tăng cường, đội ngũ giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đủ chuẩn quy định, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc. Từ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên, góp phần tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

             Từ những chính sách hỗ trợ nêu trên đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tác động tích cực hiệu quả chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất  lượng cuộc sống. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm trên 1,5%/năm. Cụ thể năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 1,59%, đạt 106% kế hoạch năm; trong đó, tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 2,09%, đạt 104,50% kế hoạch.

            Thời gian tới, huyện Trần Đề sẽ tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống bà con vùng đồng bào Khmer. Tiếp tục đầu tư phát triển những mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn vùng đồng bào sinh sống nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện kinh tế cho từng hộ gia đình. Đồng chí Trịnh Văn Bé – PCT UBND huyện Trần Đề thông tin thêm: “Cụ thể huyện sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách ưu đãi trong tín dụng. Tạo điều kiện cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, các tổ chức, cá nhân có liên quan được tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế tình trạng lao động bỏ địa phương đi làm ăn xa. Mặt khác chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhất là đối với những đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cần nghèo. Xem đây là một trong những giải pháp quan trọng trong giảm nghèo bền vững”.

               Đổi thay tại từng phum sóc hôm nay không chỉ là kết quả của việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước; mà còn là sự phản ánh chân thực quá trình phấn đấu không ngừng trong lao động, sản xuất của bà con vùng đồng bào dân tộc. Thành quả có được hôm nay đã góp phần hun đúc thêm tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, là niềm tin và động lực để bà con tiếp tục nỗ lực vươn lên. Để mỗi dịp lễ tết cổ truyền, vùng đồng bào Khmer tại huyện Trần Đề lại chung niềm vui no ấm, đủ đầy.

NGỌC THƠ - VĂN SÔNG













No title... No title... No title... No title... No title... No title...
Video sự kiện
Trần Đề đổi thay sau 30 năm tái lặp tỉnh và 11 năm thành lặp huyện
  • Trần Đề đổi thay sau 30 năm tái lặp tỉnh và 11 năm thành lặp huyện (31/03/2022)
  • Trần Đề đảm bảo an dân trong tình hình dịch bệnh (13/09/2021)
  • Hội Nông dân xã Thạnh Thới An chung tay xây dựng Nông thôn mới (05/07/2021)
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 129
  • Trong tuần: 3 761
  • Tất cả: 1195035
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRẦN ĐỀ, TỈNH SÓC TRĂNG
Cơ quan chủ quản: UBND HUYỆN TRẦN ĐỀ - TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: Ấp Đầu Giồng, Thị trấn Trần Đề, Huyện Trần Đề, Tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: (0299) 3874 283. Fax: (0299) 3874 567 . 
Chịu trách nhiệm nội dung:
Ghi rõ nguồn thông tin điện tử UBND Huyện Trần Đề khi trích dẫn lại từ địa chỉ này