21/10/2021
Lượt xem: 539
Trần Đề thắng lợi trong đợt thả nuôi tôm chính vụ
Mặc dù từng đối mặt với nhiều rủi ro về tình hình thời tiết, đặc biệt là những ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid 19 ngay từ đầu quý III. Nhưng Tính đến cuối tháng 9 (dương lịch), có thể nói, ngành tôm Trần Đề đã đạt được thắng lợi về cả kế hoạch thả nuôi và sản lượng nhờ sự quan tâm hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn cùng sự nỗ lực của chính hộ nuôi.
Thành công của nghề nuôi tôm nước lợ tại Trần Đề cần phải nhắc đến sự nhạy bén của chính hộ nuôi khi đã mạnh dạng đầu tư từ khâu cải tạo ao đến việc linh động chuyển đổi sang các hình thức nuôi mới nhằm hạn chế thiệt hại, giúp tôm sinh trưởng và đạt được kích cỡ lớn để tăng lợi nhuận kinh tế. Đơn cử như trường hợp của anh Trần Đông Dương ở ấp Mỏ ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề. Sau thành công từ các vụ nuôi trước, năm 2021, nuôi tôm lót bạt trong bể tròn 03 giai đoạn tiếp tục là phương thức nuôi được anh áp dụng. Theo đó, tôm post sau khi bắt về được anh thả nuôi trong bồn ương được 15 ngày thì chuyển sang bồn nuôi tôm lứa; tôm được nuôi 25 ngày trong bồn tôm lứa tiếp tục được chuyển sang bồn nuôi tôm thịt với mật độ là 200 con/ 1 mét vuông. Tôm được chia làm 03 đợt thu hoạch là thu tỉa vào 75 ngày, 100 ngày và 132 ngày. Nuôi tôm trong bể tròn nổi giúp quản lí tốt môi trường nước nên tỉ lệ sống của tôm luôn đạt trên 90%.
Không riêng hộ nuôi nhỏ lẻ; nhiều khu nuôi tôm nguyên liệu của các công ty, doanh nghiệp thủy sản tại Trần Đề cũng là những điểm sáng cho bức tranh chung của ngành tôm Sóc Trăng. Từ sự tính toán kĩ lưỡng về diện tích nuôi, sự cẩn trọng trong công tác vệ sinh thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh phát sinh trên tôm mà tỉ lệ sống tại các khu nuôi trên địa bàn huyện đều đạt trên 90%. Đơn cử như tại khu nuôi của Công ty Cổ phấn Thủy sản sạch; với tổng diện tích 130 hecta, gồm 236 ao nuôi; trong vụ nuôi của năm nay, Công ty đã tiến hành thả nuôi đồng loạt với mật độ 300 con/ 01 mét vuông. Đến đợt thu hoạch, sản lượng trung bình mỗi ao đạt từ 8 đến 10 tấn. Nhờ thực hiện 02 hình thức nuôi chủ yếu là nuôi tôm lót bạt đáy và nuôi tôm trong ao tròn nổi cùng sự chuẩn bị kĩ lượng trong công tác cải tạo ao và xử lí nước mà thiệt hại trên tôm nuôi không đáng kể, sản lượng tôm vượt kế hoạch đề ra.

Tính đến cuối tháng 9, diện tích nuôi tôm nước lợ tại Trần Đề đạt 4.435 hecta, sản lượng tôm thu hoạch được là trên 40.000 tấn, cao hơn khoảng 5.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Điều đáng phấn khởi là diện tích thiệt hại trên tôm nuôi tại Trần Đề trong đợt thả nuôi chính vụ chỉ chiếm 1,5% diện tích thả giống, đây cũng là một trong những vùng nuôi ghi nhận diện tích thiệt hại trên tôm thấp nhất tỉnh trong đợt thả nuôi chính vụ của năm 2021.
Ông Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề, cho biết “Mặc dù từng đối mặt với nhiều rủi ro về tình hình thời tiết, đặc biệt là những ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid 19 ngay từ đầu quý III. Nhưng với sự quan tâm hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn cùng sự nỗ lực của chính hộ nuôi, đến nay, ngành tôm Trần Đề đã đạt được thắng lợi về cả kế hoạch thả nuôi và sản lượng. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp tốt với các ngành chức năng hỗ trợ người nuôi tôm, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề nuôi, nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao”.
Bên cạnh nghề khai thác, đánh bắt xa bờ, cây lúa, thì con tôm là đối tượng có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của toàn huyện. Chính vì vậy, phát triển nuôi tôm theo hình thức nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghệ cao sẽ là nhiệm vụ được ngành Nông nghiệp huyện Trần Đề hướng đến trong những năm tiếp theo; đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu chất lượng phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu.
Văn Sông