Trần Đề chủ động phòng chống hạn, mặn ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2020 – 2021
Ruộng lúa gần 02 ha của ông Diệp Sóc, ấp Chợ, xã Đại Ân 2 đến nay đã được trên 30 ngày, đang phát triển khá tốt. Ông Sóc cho biết, sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè – Thu năm 2021, là tôi tranh thủ làm đất và xuống giống sớm theo khung lịch thời vụ Ngành nông nghiệp khuyến cáo để tránh tình trạng lúa bị ảnh hưởng nhiễm mặn vào cuối vụ. Năm rồi gần cuối vụ là kênh thuỷ lợi ở đây bắt đầu nhiễm mặn nếu bơm lên lúa sẽ bị ảnh hưởng năng suất, năm nay chủ động xuống giống sớm, để không bị mặn như năm rồi, dự kiến sẽ thu hoạch lúa vào dịp Tết nguyên đán.

Ông Diệp Sóc thăm lúa
Còn đối với ông Trần Khiêm ngụ cùng ấp, bên cạnh việc chủ động xuống giống sớm theo khung lịch thời vụ để tránh ảnh hưởng của hạn, mặn vào cuối vụ, ông còn chọn loại giống Đài Thơm để canh tác, loại giống này có khả năng chịu mặn, ít sâu bệnh, hạn chế rủi ro dịch hại, giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa.
Ông Trần Khiêm - Ấp Chợ, xã Đại Ân 2, chia sẻ “ Vụ này tôi làm hơn 20 công lúa Đài Thơm 8 đến nay đã được hơn 1 tháng, thấy lúa phát triển thấy mạnh, rễ trắng phau, rầy cũng không có, bù lạch cũng không luôn. Tôi cũng tranh thủ xuống giống, đến cuối vụ thì cũng hết mưa rồi, tới đó cũng an toàn lúa không bị ảnh mặn nữa”
Trần Đề là huyện nằm trong vùng thủy lợi khép kín, nên thường xuyên bị mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt cục bộ vào mùa khô, chủ yếu ở các xã Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, Đại Ân 2. Do đó, vụ lúa Đông - Xuân năm nay, hầu hết các địa phương đều chủ động xuống giống sớm và có biện pháp dự trữ nước ngọt phục vụ nước tưới tiêu. Bà Lụt Thị Ngọt - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Ân 2, cho biết “ UBND xã cũng chủ động tuyên truyền cho bà con xuống sớm để chủ động cho công tác thu hoạch, cũng như hạn chế được tình hình xâm nhập mặn, bà con thì chấp hành rất tốt.Tính đến thời điểm này thì Đại Ân 2 cũng đã xuống giống dứt điểm gần 2.000 ha lúa Đông Xuân 2021 -2022, cơ cấu giống chủ yếu là Đài Thơm 8. Còn đối với công tác thuỷ lợi nội đồng, thì Đại Ân 2 cũng thực hiện vượt chỉ tiêu huyện giao, nhằm đảm bảo nước phục vụ tưới tiêu cũng như vận chuyển lúa thu hoạch của bà con”

Bà con nông dân tranh thủ xuống giống sớm để tránh ảnh hưởng mặn vào cuối vụ.
Đến nay, huyện Trần Đề đã xuống giống dứt điểm 22.400 ha vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022. Với các giống chủ lực Đài Thơm 8, OM 4900 và các loại giống ST. Theo nhận định của ngành chuyên môn, mùa khô năm 2021 - 2022, tình hình mặn xâm nhập sẽ còn tiếp tực diễn ra và đi sâu vào nội đồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Để đảm bảo cho việc sản xuất của bà con, Phòng Nông nghiệp huyện Trần Đề đã tích cực chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác thủy lợi nội, đồng kết hợp giao thông nông thôn để tích trữ nước ngọt, thường xuyên kiểm tra hệ thống cống tránh rò rỉ nước mặn vào hệ thống kênh thủy lợi nội đồng, khuyến cáo bà con chủ động thay đổi mùa vụ phù hợp với thời tiết, khí hậu.
Ông Trần Hoàng Dũng - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Trần Đề, cho biết thêm “ Đối với vụ Đông Xuân 2021 -2022, trên tinh thần xuống giống sớm để thu hoạch trước Tết Nguyên Đán 2022, từ đó chỉ đạo cho các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo xuống giống, khuyến cáo bà con thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 đến đâu thì xuống giống đến đó. Đồng thời, chỉ đạo cho các địa phương khó tiếp nước vào khi hạn mặn thì xuống giống trước như Đại Ân 2, Liêu Tú, một phần Lịch Hội Thượng để tránh hạn mặn cuối vụ.Đến đầu tháng 11 thì huyện Trần Đề đã xuống giống dứt điểm trên 22.400 ha vụ lúa Đông Xuân”
Việc chủ động xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, theo khuyến cáo ngành chức năng đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa “né hạn, tránh mặn” vào cuối vụ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa, vừa bảo đảm sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid -19 còn diễn biến phức tạp.
Văn Sông