CHÙA PRUM VI SAL (Địa chỉ: ấp Sóc Lèo B, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng)
Một trong những ngôi chùa Khmer có lịch sử hình thành lâu đời mang đậm văn hoá truyền thống dân tộc Khmer phải kể đến Chùa Prum Vi Sal toạ lạc tại ấp Sóc Lèo B, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng được xây dựng từ năm 1506. Chùa Prum Vi Sal cách UBND thị trấn Lịch Hội Thượng khoảng 02 km trên đường hướng về Mỏ Ó. Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, ngôi chính điện được xây dựng lại trên nền cũ và làm lễ khánh thành Kiết giới Sima vào năm 1982. Tổng thể kiến trúc ngôi chùa bao gồm: Chánh điện, sala, tăng xá, nhà truyền thống, nhà ăn và nhà ở. Từ khi thành lập đến nay chùa đã trải qua nhiều đời trụ trì. Trụ trì chùa hiện nay là Thượng toạ Thạch Pích.
Cổng chính chùa Prum Vi Sal
Cổng Chùa Prum Vi Sal là một công trình kiến trúc được xây dựng bằng bê tông; hai cột trụ vuông của cổng chính trang trí hình tượng nữ thần Keynor. Phần cổng vòm phía trên bao gồm 3 ngọn tháp màu nâu được đắp nổi hoạ tiết hoa văn Khmer. Trên đó có ghi tên Chùa Prum Vi Sal bằng tiếng Khmer với nét chữ vàng đắp nổi trên nền đỏ trông rất đẹp mắt.
Từ cổng chùa đi vào chánh điện khoảng 25 mét được bao phủ bởi hàng cây xanh che mát, cùng các tượng Tiên nam và Tiên nữ đứng thành đường thẳng tạo sự độc đáo cho khuôn viên chùa. Cột cờ nằm ở phía trước chính điện, phần chân cột cờ là 04 con rắn thần Nagar (hình tượng rắn Naga từ Hindu giáo đã du nhập vào Phật giáo) đầu quay về bốn hướng sơn màu nâu và hình tượng chim thần Krurt, thân rắn quấn vào tạo thành thân cột cờ được sơn màu đồng điệu.
Khuôn viên chùa nhìn từ trong ra ngoài cổng chùa
Chánh điện quay về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer, Phật ở phương Tây nhưng luôn quay mặt sang phương Đông để ban phước cho dân nên chùa xây theo hướng Đông để hợp với hướng thờ Đức Phật Thích Ca bên trong chính điện. Chánh điện được xây dựng trên nền cũ, với hai cấp nền cao hơn hẳn các công trình khác trong khuôn viên chùa.
Mặt trước ngôi Chánh điện
Ngôi chánh điện nhìn từ bên phải qua
Toàn bộ chánh điện được nâng đỡ bởi các trụ cột tròn đắp nổi hoa văn Khmer, kết cấu mái ngôi chánh điện chùa Prlimvisal cũng giống như kết cấu mái chùa truyền thống ở chùa Khmer khác với tầng mái gồm 3 hệ thống mái chồng lên nhau theo một khoảng cách nhất định. Ở mỗi góc của tầng mái trang trí hình tượng rồng của đồng bào Khmer. Phần mái tiếp giáp với cột được trang trí hình tượng nữ thần Keynor góp phần tạo nên sự chắc chắn, khoẻ khoắn cho các bộ cột chống đỡ phần mái đồ sộ, làm tăng vẻ đẹp và uy nghi cho công trình. Hai bên lối vào chính điện là hình tượng rắn thần Nagar với nét hung tợn, đứng canh giữ cửa nhằm ngăn cái ác và bảo vệ Đức Phật.
Bên trong chánh điện là bệ thờ nhiều tượng Đức Phật Thích Ca, trong đó Tượng Phật đắc đạo là pho tượng chính lớn nhất chiếm vị trí trung tâm của điện thờ ở chánh điện, bệ tượng cao vượt hẳn mọi tượng khác, gần trần chánh điện.
Khu tăng xá
Nhà truyền thống
Khu Sa la
Ngoài ngôi chánh điện, chùa còn có nhiều công trình kiến trúc khác như: Sala, tăng xá, nhà truyền thống (phòng học, đọc sách), nhà ăn, nhà ở cho các vị sư,… Nhà sala chùa ngoài chức năng là giảng đường của sư sãi, còn là nơi tiếp khách trong những ngày đại lễ truyền thống của dân tộc thì còn là tăng xá dành cho sư sãi trong chùa. Trong sala vẫn có bàn thờ phật nhưng đơn giản hơn so với chính điện.
Toàn cảnh khuôn viên chùa
Đối với người Khmer thì ngôi chùa Phật giáo Nam tông đã ăn sâu vào tâm hồn của họ, chùa mang một tình cảm sâu sắc bởi vì đó là nơi thờ Phật, nơi gởi cốt của tổ tiên. Chùa không những là biểu tượng tinh thần của cộng đồng phum sóc, mà đối với từng người, việc chăm sóc, xây dựng chùa là công việc tích đức. Cho nên đồng bào Khmer nói chung và người dân ở thị trấn Lịch Hội Thượng nói riêng đã đóng góp của cải, công sức xây dựng ngôi chùa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ phật tử./.