No title... No title... No title... No title... No title...
Lượt xem: 236
DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG ĐÌNH THẠNH THỚI AN - ĐÌNH HƯNG THỚI (Địa chỉ: ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng)

Đình Thạnh Thới An tọa lạc tại ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, được người dân địa phương quen gọi với cái tên xưa là đình Hưng Thới, được xây dựng vào năm 1871, bằng cây, tre, lá đơn sơ. Từ trung tâm thành phố Sóc Trăng đi theo đường Lê Hồng Phong đến huyện Mỹ Xuyên, tiếp tục đi theo đường tỉnh 934 về hướng huyện Trần Đề đến ngã ba Tài Văn, rẽ phải theo đường tỉnh 935 hướng về thị xã Vĩnh Châu chạy khoảng 03km, rồi rẽ trái đi theo đường huyện 13 khoảng 4,5km qua cầu Đầy Hương 3, rẽ trái chạy theo đường đal khoảng 01km.

Cổng Đình Thạnh Thới An

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy gian khổ và ác liệt, Đình Thạnh Thới An biết bao lần bị giặc càn quét, đốt phá và bắn pháo tàn phá nặng nề, cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết và tình yêu quê hương đất nước, Ban quản trị Đình cùng nhân dân nơi đây bằng sức mạnh của ý chí và nghị lực đã đoàn kết đứng lên, chung sức chung lòng khắc phục thiệt hại sau khi bị địch tàn phá. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, Đình Thạnh Thới An là chỗ dựa tinh thần, bảo vệ, che chở cho nhân dân trước những biến cố của tự nhiên và sự càn quét, đốt phá, dồn dân vào các ấp chiến lược của quân địch,... nhưng nhân dân nơi vẫn một lòng theo cách mạng, quyết tâm gìn giữ và bảo vệ Đình Thạnh Thới An tồn tại cho đến ngày nay.

Đình Thạnh Thới An là cơ sở nuôi chứa, là nơi hoạt động bí mật của các đồng chí cán bộ cách mạng và chi bộ địa phương, là chỗ dựa của phong trào đấu tranh cách mạng của xã Thạnh Thới An, là cơ sở mật, đầu mối liên lạc, tổ chức chăm sóc cho cán bộ, bộ đội, du kích bị ốm đau, bị thương và là nơi tổ chức triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tổ chức vận động nhân dân tham gia lực lượng cách mạng và các phong trào cách mạng trên địa bàn Thạnh Thới An. Mặc dù Đình phải gánh chịu nhiều bom đạn của quân thù, nhưng với tấm lòng sắt son theo Đảng. Ban quản trị Đình Thạnh Thới An và bà con nhân dân nơi đây đã đùm bọc che chở, nuôi chứa cán bộ cách mạng, tham gia chiến đấu làm thất bại nhiều âm mưu của địch, bảo vệ chi bộ xã Thạnh Thới An và đặc biệt là căn cứ Huyện ủy Lịch Hội Thượng, nhiều năm liền xã Thạnh Thới An được Tỉnh Đội Sóc Trăng đánh giá là xã có phong trào vũ trang bảo vệ tốt vùng căn cứ.

Suốt những năm tháng chiến tranh, Đình Thạnh Thới An đã để lại biết bao tình cảm trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hoạt động cách mạng ở nơi đây. Nhân dân xã Thạnh Thới An đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chánh điện Đình Thạnh Thới An

Đình Thạnh Thới An hiện nay được xây dựng lại vào năm 2003 theo hình chữ Tam khá khang trang. Giống như những ngôi Đình làng khác ở Nam bộ, Đình Thạnh Thới An chủ yếu là thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang. Tổng thể công trình kiến trúc của Đình bao gồm: Hàng rào, nhà Võ ca, nhà Võ qui, Chánh điện, nhà Tiền Vãng, nhà bếp, miếu thờ Thần Hổ, miếu thờ Bạch Mã, miếu thờ Thái Giám, Khán đài thờ liệt sĩ, bàn thờ Thần Nông, sân khấu, nhà vệ sinh .... có tổng diện tích 4.312m2.

Từ ngoài vào giáp lộ đal là cổng đình Thạnh Thới An nằm lệch bên phải của Đình, được xây bằng bê tông cốt thép, trên cổng thiết kế mái lợp ngói, trên đỉnh trang trí “song long chầu hồ lô” bằng gốm, phía dưới là bảng tên “Đình Thần” đắp nổi trên nền xi măng màu vàng, chữ đỏ, hai bên cổng là 02 câu đối, bên trái “Tiền Hiền Khai Khẩn Lập Đình Làng”, bên phải “Hậu Thế Trùng Tu Chớ Lãng Quên”, tất cả được đắp nổi trên nền xi măng màu đỏ, chữ vàng, do Ban quản trị đình xây dựng hoàn thành vào năm 1991.

Khuôn viên bên trong di tích Đình Thạnh Thới An

Từ cổng vào bên phải đình là miếu thờ Bạch Mã, kế tiếp là nhà Tiền Vãng được xây bằng gạch, mặt tiền phía trước có 02 câu đối, bên trái “Toàn Dân Đồng Tâm Xây Dựng Đình”, bên phải “Tiền Vãng Đề Danh Hậu Thế Lưu” tất cả được đắp nổi trên nền xi măng màu đỏ, chữ vàng; phía trên là chữ Tổ Đường Tiền Vãng được đắp nổi trên nền xi măng chữ màu đỏ bên trên có trang trí “lưỡng long chầu hồ lô”, mái nhà lợp tôn xi măng dùng làm nơi thờ cúng những vị có công với đình; phía sau nhà Tiền Vãng là nhà Bếp được xây bằng gạch, là nơi nấu ăn, làm tiệc chiêu đãi trong những kỳ cúng lễ Kỳ yên của đình.

Gian chính giữa thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh

Chính giữa là đình Thạnh Thới An được xây dựng theo hình chữ Tam, bằng bê tông cốt thép, tường xây gạch khép kín có 02 cửa trước và 04 của bên hông, mặt tiền phía trước có 02 câu đối, bên trái “Xã Thạnh Thới An Đình Quãng Đại”, bên phải “Dân Đất Thạnh Quyết Chí Dựng Xây” tất cả được đắp nổi trên nền xi măng màu đỏ, chữ vàng; phía trên là chữ “Đình Thạnh Thới An” được đắp nổi trên nền xi măng chữ màu đỏ bên trên có trang trí “lưỡng long chầu hồ lô” và Cá chép với Kỳ lân mỗi bên, mái đình lợp tôn xi măng.

Từ ngoài vào là gian Võ ca có thiết kế sân khấu hướng vào bên trong để các đoàn hát biểu diễn trong các dịp lễ Kỳ yên. Liền kề là gian Võ qui, là nơi hội họp, làm việc của Ban quản trị đình, cũng là nơi tổ chức các lễ thức trong các kỳ cúng Kỳ yên. Liền kề là Chánh điện thờ Thần, thiết kế 02 cửa mở bên hông và 04 cửa sổ rất thoáng, bên trong có 06 cây cột tròn ở giữa bằng bê tông nâng đỡ mái đình, mỗi cột đắp nổi 01 con rồng uốn lượn từ trên mái xuống, được sơn son thếp vàng rất lộng lẫy.

 Gian đầu của chính điện ở giữa là bàn thờ Quần Thần Văn Võ được xây và lát gạch men; bên trái là bàn thờ Anh hùng Chiến sĩ được xây và lát gạch men, bên phải là bàn thờ Phước Lộc Thọ được xây và lát gạch men. Gian giữa là bàn thờ Hội Đồng những người có công với đình được xây và lát gạch men bên trên có ghi dòng chữ: “Thành Hoàng Bổn Cảnh”, hai bên là bộ Bát bửu minh khí đặt trên giá bằng gỗ. Gian trong cùng là khám thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh trang trí các mặt võng bao lam bằng gỗ được sơn son thếp vàng có chạm khắc hoa văn tứ linh “ Long, Lân, Qui, Phng”, hai bên khám thờ chạm khắc rồng, trên đỉnh khánh trang trí “song long chầu nhật”, tất cả đều sơn son thếp vàng và được đặt trang trọng trên bệ xi măng lót gạch men; bên trái bàn thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh là bàn thờ Tả Ban được xây và lát gạch men; bên phải bàn thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh là bàn thờ Tiên Sư được xây và lát gạch men; bên phải bàn thờ Tiên Sư là bàn thờ Bác Hồ được xây và lát gạch men; bên phải bàn thờ Bác Hồ là bàn thờ Hữu Ban được xây và lát gạch men; vách bên trái là bàn thờ Tiền Hiền được xây và lát gạch men; vách bên phải là bàn thờ Hậu Hiền được xây và lát gạch men; bên trái đình là miếu thờ Thái giám, phía trước đình là bàn thờ thần Nông, phía sau bàn thờ thần Nông là Khán Đài thờ Anh Hùng Liệt Sĩ, phía sau đình là miếu thờ thần Hổ.

Tại đình Thạnh Thới An hàng năm  duy trì cúng 02 lễ lớn, đó là:

Lễ cúng Thượng Điền, vào ngày 16 tháng 11 âm lịch, lễ cúng đơn giản và chỉ tổ chức trong ngày là kết thúc.

Lễ cúng Hạ Điền, đây là Lễ hội Kỳ yên được tổ chức long trọng và qui mô nhất trong năm của đình vào ngày 16 đến 19 tháng Giêng.

Đình Thạnh Thới An là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, là chỗ dựa tinh thần của nhân dân sau một năm vất vả lao động sản xuất, nơi tưởng nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân đã có công khẩn hoang, khai phá mở mang vùng đất này. Lễ hội Kỳ yên tại đình Thạnh Thới An có giá trị văn hóa và ý nghĩa cao cả giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, động viên con cháu noi gương các bậc tiền nhân trung liệt của đất nước trên con đường đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc. Đình Thạnh Thới An là một công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng của người Kinh, có chức năng thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân Thạnh Thới An và người dân trong vùng, là một công trình thuộc thể loại kiến trúc dân dụng, có tính chất đa chức năng, phục vụ cho các sinh hoạt thuộc về cộng đồng dân cư, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và diễn ra các lễ hội truyền thống, vừa là nơi để tôn vinh những giá trị lịch sử và truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Thạnh Thới An qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.

Để ghi dấu một phong trào đấu tranh cách mạng, quá trình chiến đấu mang nhiều ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ tương lai học tập và noi gương, Đình Thạnh Thới An được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ngày 05/8/2020./.













No title... No title... No title... No title... No title... No title...
Video sự kiện
Trần Đề đổi thay sau 30 năm tái lặp tỉnh và 11 năm thành lặp huyện
  • Trần Đề đổi thay sau 30 năm tái lặp tỉnh và 11 năm thành lặp huyện (31/03/2022)
  • Trần Đề đảm bảo an dân trong tình hình dịch bệnh (13/09/2021)
  • Hội Nông dân xã Thạnh Thới An chung tay xây dựng Nông thôn mới (05/07/2021)
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 255
  • Trong tuần: 5 044
  • Tất cả: 1196318
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRẦN ĐỀ, TỈNH SÓC TRĂNG
Cơ quan chủ quản: UBND HUYỆN TRẦN ĐỀ - TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: Ấp Đầu Giồng, Thị trấn Trần Đề, Huyện Trần Đề, Tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: (0299) 3874 283. Fax: (0299) 3874 567 . 
Chịu trách nhiệm nội dung:
Ghi rõ nguồn thông tin điện tử UBND Huyện Trần Đề khi trích dẫn lại từ địa chỉ này