CHÙA TẦM VU (PRÊK OM PU) - DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG (Địa chỉ: ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng)
Chùa Tầm Vu, có tên gọi theo tiếng Khmer là Prếk Om Pu, Chùa tọa lạc tại ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng, được khởi dựng bằng vật liệu cây lá đơn sơ. Năm 1870, chùa di dời về địa điểm hiện tại (cách địa điểm cũ 500 mét). Chùa Tầm Vu có diện tích 33.961,9 m2. Gần 360 năm hình thành và phát triển, chùa Tầm Vu đã trải qua 15 đời trụ trì.
Từ trung tâm thành phố Sóc Trăng đi theo đường Lê Hồng Phong đến huyện Mỹ Xuyên, tiếp tục đi theo đường tỉnh 934 về hướng huyện Trần Đề đến ngã ba Tài Văn, rẽ phải theo đường tỉnh 935 hướng về thị xã Vĩnh Châu chạy khoảng 03km, rẽ trái đi theo tuyến lộ đan đường vào xã Thạnh Thới An, khoảng 2,5 km rẽ trái đi khoảng 500m là đến chùa, cách UBND xã Thạnh Thới An 2 km về hướng Đông.
Cổng chùa Prêk Om Pu (Tầm Vu)
Từ khi khởi dựng đến nay, trong số các trụ trì có Hòa thượng Châu Mum là người có nhiều công lao đáng ghi nhận, ngoài việc giữ gìn và phát triển chùa, Ông còn tích cực tham gia cách mạng. Năm 1940, Hoà thượng Châu Mum tham gia các phong trào Việt Minh do ông Trịnh Thới Cang tổ chức, sau đó cùng các sư sãi tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trên địa bàn làng Thạnh Thới An. Cũng trong giai đoạn này, chùa là địa điểm hội họp của cán bộ Việt Minh, là cơ sở nuôi chứa và đào tạo nhiều cán bộ cách mạng. Đến thời Mỹ - Diệm, chính quyền tay sai tăng cường đàn áp tín đồ Phật giáo, tại Chùa Tầm Vu, chúng nhiều lần tổ chức khám xét, lùng bắt cán bộ cách mạng, nhưng được sự che chở của Hoà thượng Châu Mum nên hầu hết đều được an toàn.
Trong cuộc đấu tranh gian khổ ác liệt ấy, sư sãi nhà chùa cùng bà con phật tử nơi đây đã đoàn kết một lòng theo Đảng, đùm bọc, che chở, nuôi chứa những cán bộ hoạt động cách mạng và tham gia phong trào kháng chiến với ý chí dũng cảm kiên cường làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Mặc dù kẻ thù luôn có âm mưu đàn áp phong trào cách mạng và tìm mọi cách bắt giữ những chiến sĩ cách mạng, nhưng sư sãi và bà con phật tử kiên trì đấu tranh, biểu tình chống bắt lính; đồng thời để bảo vệ phum sóc và ngôi chùa, quyết tâm tìm đủ mọi cách để giúp đỡ cách mạng, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Năm 1954, được sự quan tâm của chính quyền cùng với sự đóng góp công sức của tín đồ phật tử, Hoà thượng Châu Mum đã cho xây dựng lại ngôi chùa, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên đến năm 1977 mới hoàn thành. Quần thể kiến trúc chùa bao gồm: cổng rào, ngôi chánh điện, sa la, nhà tăng, thư viện, lò thiêu, các tháp để tro cốt,...được bố trí hài hòa trong một khuôn viên rộng trên 3,3 ha có nhiều cây cổ thụ.
Quang cảnh lối vào bên trong khuôn viên chùa Prêk Om Pu (Tầm Vu)
Chùa Tầm Vu là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo thể hiện đặc trưng vốn văn hoá truyền thống của người Khmer Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Chùa nằm dọc theo sông Hưng Thới, phía trước cổng chùa là nơi dân cư sinh sống, cổng chùa quay mặt về hướng Nam. Cổng có hai cây cột vuông đỡ lấy bảng tên chùa được làm bằng xi măng ở phía trên: Chính giữa cổng chùa đắp hình tượng hai vị sư đang đỡ một vòng tròn đặt trên một cái lư, vòng tròn này được mô phỏng theo bánh xe luân hồi của đạo Phật, có 8 cánh đại diện cho 8 hướng với ý muốn: Phật pháp lan toả và thấm nhuần khắp 8 phương. Bên dưới vòng tròn là dòng chữ đắp nổi ghi tên chùa bằng chữ Khmer: Prêk Om Pu (Tầm Vu). Ngoài cửa chính của chùa còn có hai cửa phụ. Cổng và hàng rào được trang trí bởi hoạ tiết hoa văn Khmer, sơn màu gạch tôm. Phía trên là nghệ thuật điêu khắc trang trí chùa bằng hình tượng rồng rắn quen thuộc như các chùa Khmer khác.
Ngôi chính điện cũ chùa Prêk Om Pu (Tầm Vu)
Bước qua cổng chùa ta nhìn thấy 30 tượng Chư thiên nam nữ được xếp thành 2 hàng mỗi bên là 15 tượng và hai tháp để tro cốt, trong đó có tháp đựng tro cốt của Hoà thượng Châu Mum nằm phía bên tay phải tính từ cổng chùa vào, ông là một vị sư đã có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đi khoảng 20 mét là đến cột cờ nằm ở chính giữa khuôn viên chùa. Phía bên tay trái cột cờ là ngôi chính điện.
Chánh điện quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer Phật ở phương Tây quay mặt về hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa phải xoay theo hướng Đông để hợp với hướng tượng thờ trong chính điện.
Ngôi chánh điện hiện nay được xây dựng lại đầu năm 2022 có chiều dài là 23,3m, chiều ngang 13,3m và chiều cao là 16,6m nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ được xây dựng trên hai cấp nền cao hơn hẳn các công trình kiến trúc khác trong khuôn viên chùa. Quanh cấp nền thấp của ngôi chính điện đều có hàng rào bao quanh và có hai cầu thang đi lên nơi thờ ở hướng Đông.
Khác với một số công trình kiến trúc nghệ thuật chùa Khmer trong tỉnh cũng như khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, ngôi chánh điện của chùa Tầm Vu thiết kế làm hai tầng (một trệt, một lầu). Điều đặc biệt ở ngôi chùa này không xây dựng theo nguyên tắc ba cấp mái chùa truyền thống của kiến trúc chùa Khmer, mà mái chính điện xây thành 03 ngọn tháp bố trí theo chiều dài của ngôi chánh điện.
Kết cấu mái ngôi chánh điện là một kết cấu đặc biệt gồm 03 ngọn tháp bằng nhau, chiều cao của mỗi tháp khoảng 05 mét, đáy rộng 03 mét. Xây theo chiều dài của ngôi chính điện làm bằng xi măng.
Ngôi chính điện hiện đang thi công xây dựng
Bước lên lầu hai theo lối cầu thang ở hướng Đông, có xây hai cửa trổ ra hướng Tây và hai cửa trổ ra hướng Đông ở hai bên, lan can bằng xi măng bao quanh hành lang có nhiều ô, không trang trí hoa văn. Xung quanh hành lang sân chính điện ở lầu 02 được tráng bằng xi măng rộng 1.4m. Mỗi bên chánh điện có 05 cửa sổ bằng gỗ và hai cửa ra vào Trên mỗi cửa sổ và cửa ra vào đều có trang trí hoa văn Khmer đắp nổi bằng xi măng.
Ngôi chính điện hiện đang thi công xây dựng
Bên trong chánh điện, nền được lát gạch bông, dọc theo chiều dài là hai hàng cột tròn, mỗi hàng gồm 05 cột. Hai gian trong cùng đặt bệ thờ Phật Thích Ca. Ở trung tâm bệ là một pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá cao khoảng 1,5m được đặt trên bệ thờ cao khoảng 1m. Trên bệ thờ Phật có hai cây cột tròn vẽ hình rồng. Xung quanh tường ngôi chánh điện được vẽ tranh sơn dầu ở hai mặt nói về truyền thuyết Phật. Trần ngôi chánh điện trang trí hoa văn Khmer có độ cao khoảng 04 mét. Tầng trệt trước đây là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và bà con phật tử mỗi khi giặc đàn áp bắt bớ những người tham gia cách mạng.
Trước cổng đi vào tầng trệt có 05 cây cột. Trong tầng trệt không có trang trí hoa văn. Được xây dựng đơn sơ, chủ yếu là trụ cột để chống đỡ cho tầng trên của ngôi chánh điện. Bên trong tầng trệt có 06 hàng cột tròn (02 hàng cột nằm chính giữa mỗi hàng có 10 cột nằm theo hàng dọc, tương tự 04 hàng còn lại ở hai bên mỗi hàng có 08 cột).
Tầng trệt của ngôi chánh điện mỗi bên có 07 cửa sổ nằm theo hướng Nam - Bắc. Bên trong đặt chiếc ghe Ngo đã hỏng có từ năm 1962. Phía Tây của tầng trệt ngôi chính điện có 09 cây cột, không có cầu thang đi lên tầng lầu.
Ngoài trung tâm ngôi chánh điện, chùa Tầm Vu còn có các công trình khác như: Nhà để ghe Ngo, thư viện, sala là nơi để dâng cơm cho các vị sư trong dịp lễ hội, nơi để tiếp khách và hội họp. Nhà dành cho các sư sãi trong chùa, nhà bếp. Phía sau ngôi chánh điện và sala, nhà ở của các vị sư là tháp để tro cốt và lò thiêu, xung quanh ngôi chùa có nhiều cây cổ thụ như thốt nốt, cây dầu, cây sao...
Ngôi Sa la và thư viện Chùa
Chùa Tầm Vu là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị văn hoá, thẩm mỹ với quần thể kiến trúc nghệ thuật truyền thống Khmer Nam bộ nhưng có một số nét khác biệt với những ngôi chùa Khmer thông thường ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là ngôi chánh điện được xây theo kết cấu hai tầng (một trệt, một lầu) và trên mái chùa có ba ngọn tháp nằm dọc theo chiều dài của ngôi chính điện. Ngoài chức năng thoả mãn nhu cầu đời sống tâm linh, chùa còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người dân Khmer trong vùng, Ngôi chùa Khmer là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất.
Chùa Tầm Vu được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh ngày 29/8/2012./.